Tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông Nghiệp và PTNT; lãnh đạo, sở, ngành của 11 tỉnh tham gia đề án, cùng một số doanh nghiệp, hợp tác xã, và đại diện các tổ chức nước ngoài. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo |
Giai đoạn 2021-2025, đề án được thí điểm thực hiện trên địa bàn 184 xã, 50 huyện của 11 tỉnh với tổng diện tích 158.300 ha. Trong đó, cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Sơn La, Hòa Bình): 14.000 ha (chanh dây, dứa, xoài); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS) vùng Duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế): 22.900 ha; cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đak Lak): 11.200 ha; lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang): 50.000 ha; cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An): 60.200 ha (xoài, mít, sầu riêng). Các địa điểm lựa chọn vùng dự án đều nằm trong quy hoạch vùng trồng và phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong quá trình xây dựng đề án, các cơ quan chuyên môn của địa phương đã rà soát và đề xuất vùng trồng phù hợp với quy hoạch hiện hành, dựa trên cơ sở các vùng trồng đã được hình thành, không phát triển vùng trồng mới. Theo đề án, sẽ có 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, 250 hợp tác xã nông nghiệp, 185 ngàn hộ nông dân tham gia và hưởng lợi trực tiếp.
Đề án gồm 3 hợp phần với những nội dung chính như đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông. Thời gian thực hiện đề án 2021-2025. Trong đó, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2021-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu và tổ chức tổng kết, đánh giá; giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện một số nội dung đề án như công trình hạ tầng vùng nguyên liệu (giao thông, thủy lợi), một số dự án khuyến nông-khuyến lâm; quản lý vùng nguyên liệu, số hóa cơ sở dữ liệu thông tin, rà soát, đánh giá cơ chế chính sách. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 1.645,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 526 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 436 tỷ đồng; đối ứng của hợp tác xã, doanh nghiệp gần 580 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 103 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo |
Đề án sẽ thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung thuộc địa bàn 11 tỉnh, qua đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cả nước. Vì vậy, việc phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, hiện đại, ổn định lâu dài là rất cần thiết để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phát triển vùng nguyên liệu còn là công cụ giúp nhà nước quản lý tốt về quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản; qua đó quản lý hiệu quả được nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Đây là đề án khung với những hợp phần cụ thể để phân chia nhiệm vụ, trách nhiệm của từng địa phương, bộ, ngành nhằm gắn kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Do đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có tham gia đề án nhanh chóng phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác để sớm hoàn thiện đề án. Liên quan đến một số ngành, Thứ trưởng yêu cầu cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, nhằm sớm đi đến thống nhất để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
VŨ THẢO
https://baogialai.com.vn/channel/8208/202110/thi-diem-xay-dung-5-vung-nguyen-lieu-nong-lam-san-5754307/
Ý kiến bạn đọc