Từ kỹ sư điện tử trở thành... nông dân
Những ngày cuối năm, vùng đất Chư Păh thu hút hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi về tham gia lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya. Đây cũng là thời điểm mà nông trang của ông Nguyễn Ngọc Cương (làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng) đang thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm trà hoa vàng để kịp cung cấp cho khách hàng, chủ yếu là các công ty dược.
Thu hoạch hoa trà. Ảnh: N.D |
Ông Cương vốn là kỹ sư điện tử. Trước đây, ông sống và làm việc tại Hà Nội. Sau khi xin nghỉ hưu trước tuổi, ông Cương đã đi du lịch trải nghiệm nhiều nơi trên khắp đất nước. Trong một lần đến Gia Lai, ông thích thú với cảnh vật cũng như khí hậu của vùng đất này. Từ đó, ông quyết định mua một khu đất ở làng Ea Lũh với ý định làm khu nghỉ dưỡng vào những ngày cuối tuần và nghỉ lễ.
Ông Cương kể: “Cơ duyên đến với trà hoa vàng đối với tôi rất tình cờ. Chưa từng trải qua công việc nhà nông nhưng sau khi cùng bạn bè tham quan các vùng trồng trà hoa vàng ở Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, sẵn có đất ở Gia Lai, tôi đem về trồng thử nghiệm vì thấy hoa khá đẹp. Sau một thời gian xuống giống, tôi thấy cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, dược tính cũng khá cao. Đến cuối năm 2019, tôi cùng người bạn ở TP. Hồ Chí Minh quyết định ra ngoài Bắc mua giống trà hoa vàng và thuê nghệ nhân di thực vào xã Nghĩa Hưng để trồng”.
Giá giống trà hoa vàng di thực vào đây khá cao, gốc to có giá hơn 5 triệu đồng/cây, còn gốc nhỏ thì 300-400 ngàn đồng/cây. Chính vì vậy, ông Cương thuê những nghệ nhân am hiểu về trà hoa vàng từ ngoài Bắc vào trồng, chăm sóc cũng như hướng dẫn cách chế biến để không làm mất dược tính của hoa trà. Sau thời gian bén rễ trên vùng đất mới, các nghệ nhân đều khẳng định, thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây rất phù hợp với cây trà hoa vàng, dược tính của hoa cũng không thua kém so với cây trồng ở phía Bắc.
Lá trà hoa vàng được sơ chế bước đầu. Ảnh: N.D |
Trên diện tích 13 ha, để cây trà hoa vàng phát triển theo hướng tự nhiên nhất, ông Cương tiến hành trồng các loại cây rừng lấy gỗ như gáo vàng, bò ma và cây ăn quả lấy bóng mát. Đến nay, vườn trà hoa vàng của ông có gần 30 ngàn cây lớn nhỏ, trong đó, 50% diện tích đã thu hoạch. Trà hoa vàng sau khi thu hoạch được sơ chế, đóng gói tại xưởng trước khi cung cấp cho đối tác.
“Theo tính toán, 1 cây trà hoa vàng trưởng thành 7-8 năm cho thu hoạch khoảng 3 kg hoa tươi/năm. Với giá bán hiện tại có thể cho thu nhập mỗi cây từ 900 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, cây càng lớn thì giá trị càng cao. Lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu”-ông Cương nói.
Hướng đến xây dựng thương hiệu
Nông trại trà hoa vàng của ông Cương được bao bọc xung quanh bởi ngôi làng Xê Đăng và những tán rừng phòng hộ. Đây có lẽ là vườn trà hoa vàng lớn và đầu tiên ở Gia Lai. Không chỉ có trà hoa vàng, vườn còn trồng nhiều loài dược liệu khác như: thìa canh, chè vàng, xạ đen, đinh lăng… Đặc biệt, khác với các tỉnh ngoài Bắc, mùa thu hoạch bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 4 năm sau, trà hoa vàng tại Gia Lai được ông Cương trồng xen dưới tán các loại cây rừng, cộng với thời tiết thuận lợi nên cho hoa quanh năm.
Không chỉ thu hoạch hoa mà lá già của cây trà hoa vàng cũng có dược tính khá cao, được các công ty dược ở TP. Hồ Chí Minh đặt hàng. Trong đó, giống trà hoa vàng Cúc Phương có chất lượng rất tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Trà hoa vàng rất dễ trồng và chăm sóc, cây ươm từ hạt thì 5-7 năm mới cho thu hoạch, còn cây trồng từ di thực gốc thì khoảng 2-3 năm là cho thu hoạch.
Hệ thống sấy trà hoa vàng. Ảnh: N.D |
Ông Cương cho hay: “Sản phẩm trà hoa vàng “Made in Gia Lai” được các chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng, dược tính. Để sản phẩm trà hoa vàng vươn xa, tôi đã thành lập Công ty cổ phần Dược phẩm Tâm Phúc Minh, từng bước xây dựng thương hiệu trà hoa vàng Gia Lai. Toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến trà hoa vàng được Công ty thực hiện theo phương thức truyền thống nhằm giữ trọn hương vị thiên nhiên trong từng cánh hoa và lá trà. Không những vậy, năm nay, sản phẩm trà hoa vàng của Công ty đã được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh”.
Không chỉ có mặt tại thị trường trong nước, sản phẩm trà hoa vàng Gia Lai đã xuất khẩu sang Đài Loan. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu hiện nay của Công ty còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường. Giá trà hoa vàng hiện nay cũng rất cao, dao động 1-10 triệu đồng/kg sấy khô, cá biệt có loại lên 1.000 USD/kg.
Sản phẩm trà hoa vàng đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: N.D |
Ông Cương bộc bạch: “Làm trà phải có đam mê mới thành công. Hiện nay, tôi đầu tư vườn ươm tại chỗ để lấy cây giống trồng dặm. Đồng thời, liên kết với các hộ dân xung quanh mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sơ chế của Công ty để hướng đến thị trường xuất khẩu. Trước mắt, sản phẩm của Công ty sau khi sơ chế sẽ cung cấp cho các công ty dược ở TP. Hồ Chí Minh. Về lâu dài, chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà khoa học và khoa dược của các bệnh viện nghiên cứu ra những hợp chất dược liệu chống lão hóa, thuốc chữa bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết, hỗ trợ chức năng gan, dạ dày và tiêu hóa… từ trà hoa vàng trồng tại Gia Lai”.
Nông trại của ông Cương hiện giải quyết việc làm cho nhiều lao động người Xê Đăng tại làng Ea Lũh. Bà Kpă Hà phấn khởi cho biết: “Tôi vào làm công nhân đã được 3 năm. Công việc hàng ngày là đi hái hoa, lá trà già, rửa sạch đưa vào máy sấy, rồi tiến hành đóng gói sản phẩm. Mỗi tháng, sau khi trừ bảo hiểm, lương của tôi còn hơn 5 triệu đồng. Sắp tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ liên kết với Công ty để trồng thử nghiệm cây trà hoa vàng trong vườn cà phê của gia đình”.
NGUYỄN DIỆP
Nguồn: https://baogialai.com.vn/tra-hoa-vang-made-in-gia-lai-post263951.html
Ý kiến bạn đọc