Thúc đẩy tăng trưởng thương mại

Thứ hai - 19/02/2024 19:49 918 0
(GLO)- Dịch vụ logistics là hoạt động gắn liền với quá trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Việc thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng thương mại, góp phần tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Thúc đẩy tăng trưởng thương mại

Tiềm năng lớn

Với vị thế là cửa ngõ của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Gia Lai có thể trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa trong vùng khi có điều kiện kết nối cả khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum). Gia Lai cũng là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ thông qua các quốc lộ 14, 19, 25. Những năm qua, hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư nâng cấp đồng bộ, Cảng Hàng không Pleiku đã đủ điều kiện đón các loại máy bay hiện đại cỡ trung, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Gia Lai với các địa phương trong cả nước.

Với vị trí là trung tâm của khu vực Tây Nguyên, Gia Lai đóng vai trò quan trọng, có thể đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực. Do vậy, ngày 17-5-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1130/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2023-2025, định hướng 2030 nhằm góp phần làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Sở Công thương và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: T.N

Sở Công thương và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: T.N

Trong quá trình khảo sát chọn địa điểm quy hoạch trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh, huyện Mang Yang được xác định là điểm thuận lợi kết nối giao thông nhờ có tuyến quốc lộ 19 nối Quy Nhơn-Pleiku-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và hành lang vận tải đường Trường Sơn Đông, giúp rút ngắn thời gian, chi phí trong hoạt động vận tải, giao thương hàng hóa.

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho hay: “Theo đề xuất, trung tâm logistics có quy mô 511 ha được thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai trên diện tích 265 ha ở khu vực xã Đak Ta Ley. Với quy mô lớn như vậy, huyện đã đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh các tuyến giao thông để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình giao thương, tạo ra sự kết nối vào trung tâm logistics”.

Theo ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Gia Lai tiếp giáp với Campuchia và gần với Lào, lại thuận lợi giao thông với các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, dịch vụ logistics ở Gia Lai chưa phát triển như kỳ vọng, đặc biệt là thiếu vắng những doanh nghiệp lớn, trong khi đây lại là một loại hình gắn chặt với hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa. Chính vì vậy, thúc đẩy phát triển logistics sẽ làm đòn bẩy tăng trưởng thương mại truyền thống, thương mại điện tử và thương mại quốc tế, góp phần tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

“Trước hết, Gia Lai phải tạo ra được nguồn hàng bằng việc thu hút đầu tư, kể cả thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các ngành dịch vụ khác nhau. Thế mạnh của Gia Lai là sản xuất các mặt hàng nông sản phong phú với sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, việc kêu gọi các doanh nghiệp đến với Gia Lai đầu tư hoàn thiện hạ tầng logistics là vô cùng quan trọng để tăng hiệu quả của việc vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí cũng như giữ được chất lượng hàng nông sản.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics của vùng dựa trên nền tảng số theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, gắn với phát triển nông nghiệp, hệ thống logistics thông minh và kinh tế cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu quốc tế”-ông Hải cho biết thêm.

Nhiều giải pháp phát triển dịch vụ logistics

Gia Lai có gần 850.000 ha đất nông nghiệp, thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thuộc nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Toàn tỉnh có khoảng 100.000 ha cà phê, sản lượng hơn 267.000 tấn/năm; 13.000 ha hồ tiêu, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm; 88.000 ha cao su, sản lượng mủ khô hơn 123.000 tấn/năm; 81.000 ha mì, sản lượng trên 1,6 triệu tấn/năm; 32.000 ha cây ăn quả, sản lượng gần 560.000 tấn/năm… Tỉnh đã hình thành nhiều khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Sản phẩm nông sản chủ lực của Gia Lai đã có mặt ở thị trường 50 quốc gia trên thế giới và dư địa tăng trưởng vẫn còn khá lớn.

Trên địa bàn hiện có 3 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp được quy hoạch. Theo định hướng quy hoạch, tỉnh sẽ xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan (khu gia công sản xuất, xuất-nhập khẩu, trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm...) và khu thuế quan (công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm tiếp vận...), là đầu mối giao thương vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Đây cũng là nơi thu hút đầu tư các trung tâm logistics, kho ngoại quan, kho hàng hóa chuyên dùng và các dịch vụ logistics phù hợp với ngành hàng sản xuất.

Quốc lộ 19, đoạn đi qua trung tâm thị xã An Khê. Ảnh: Công Phạm

Quốc lộ 19, đoạn đi qua trung tâm thị xã An Khê. Ảnh: Công Phạm

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ-Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn-chia sẻ: “Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có hệ thống xe vận tải, kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics trong cả nước cũng như hệ thống cảng biển. Chúng tôi đã tận dụng hệ sinh thái này để xây dựng các giải pháp cho doanh nghiệp và triển khai thành công một số dự án liên quan đến điện gió, điện mặt trời ở Gia Lai. Với trung tâm logistics mà Gia Lai đang dự kiến triển khai sắp tới đây, tôi cho rằng để có hiệu quả, tỉnh nên có những cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư vào khu vực này; khuyến khích tăng cường hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp bên ngoài cùng tham gia để xây dựng hệ thống kho bãi, trong đó, hệ thống kho lạnh phục vụ cho ngành hàng nông sản là không thể thiếu. Hiện nay, Gia Lai đã đưa vào quy hoạch trung tâm logistics, đây sẽ là các bước để cho doanh nghiệp quan tâm đầu tư”.

Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, tỉnh sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tích hợp dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo các kết nối hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối cảng cạn, cảng biển, cảng hàng không trên địa bàn tỉnh và trong khu vực. Đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch; nghiên cứu, thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng.

Đồng thời, gia tăng số lượng kho bãi hiện đại khi nhu cầu sản xuất tăng; thành lập các khu kho, bãi tập trung gần các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cấp và hình thành mới các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho chuyên dùng để phục vụ hàng quá cảnh và trung chuyển; phát triển kho hàng hóa chuyên dùng phù hợp với đặc tính thương phẩm như: kho hàng lạnh, kho bảo quản nông sản, xăng dầu... và các mặt hàng đặc thù khác. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics. Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp logistics trong nước hoặc quốc tế đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại tỉnh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu của địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động logistics…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây