Quan tâm phát triển thương mại miền núi

Thứ hai - 09/12/2024 03:03 64 0
(GLO)- Việc phát triển thương mại miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với quy mô và trình độ phát triển sản xuất kinh doanh sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các khu vực trong tỉnh Gia Lai.
Quan tâm phát triển thương mại miền núi

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm qua hội chợ

Năm 2024, Sở Công thương tổ chức 3 hội chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Krông Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa; 4 phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi ở các huyện: Ia Pa, Ia Grai, Kông Chro, Chư Pưh.

Các hội chợ, phiên chợ đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh tham gia mua bán các sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào DTTS.

Chị Siu Phéch (làng Bi Ia Yom, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) cho hay: “Lâu nay, gia đình kinh doanh 2 sản phẩm là gạo và cá nướng giã lá é từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu bán cho người dân trong xã.

Vì vậy, khi được hỗ trợ tham gia phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, tôi đã giới thiệu sản phẩm nhà làm và nhận được nhiều lời khen của khách hàng. Sau phiên chợ, nhiều khách hàng gọi điện đặt mua sản phẩm. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người biết đến sản phẩm của gia đình”.

cac-san-pham-vung-dong-bao-dtts-duoc-ho-tro-tham-gia-cac-chuong-trinh-xuc-tien-thuong-mai-anh-vt.jpg
Sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giới thiệu, quảng bá tại các phiên chợ, hội chợ. Ảnh: V.T

Tại hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức ở huyện Krông Pa năm 2024, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương như: bò một nắng, bò khô, heo một nắng, muối kiến vàng, lá teng leng, đậu đỗ các loại, gạo rẫy, hạt điều rang muối, bưởi, dừa, rau củ, các sản phẩm đan lát, thổ cẩm… được trưng bày, giới thiệu. Hội chợ đã tạo điều kiện cho người dân được mua sắm các sản phẩm sạch, chất lượng.

Ông Ngô Văn Bền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) cho biết: “Sản phẩm vùng đồng bào DTTS luôn có nét mộc mạc bởi quy trình sản xuất thủ công. Lâu nay, việc tiêu thụ sản phẩm chỉ bó hẹp trong phạm vi xã nên đầu ra không ổn định.

Vì vậy, khi Sở Công thương tổ chức hội chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội giới thiệu, quảng bá các mặt hàng, từ đó mở ra hướng tiêu thụ ổn định trong thời gian tới”.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương): Trước kia, đồng bào DTTS sản xuất các mặt hàng chủ yếu để dùng. Còn bây giờ, việc tổ chức giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ bà con làm quen với hoạt động kinh doanh.

Các hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bào DTTS.

Việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp đồng bào DTTS tự tin, mạnh dạn trong sản xuất kinh doanh, từng bước phát triển sản phẩm qua việc đăng ký tham gia các chương trình chứng nhận chất lượng.

Cũng theo bà Thu, năm 2024, Sở Công thương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy mô thị trường của từng địa bàn.

Xây dựng, cải tạo chợ vùng đồng bào DTTS

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 102 chợ gồm: 1 chợ hạng I, 13 chợ hạng II, 73 chợ hạng III và 15 chợ tạm. Đến nay, 96 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa thiết yếu của người dân, những năm qua, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp.

Nhờ đó, hoạt động thương mại có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 3 chợ được xây dựng gồm: chợ xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa), chợ xã Ia Bă (huyện Ia Grai) và chợ xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện).

Ngoài ra, 2 công trình chợ xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) và chợ xã Sró (huyện Kông Chro) được chuyển tiếp từ các năm trước sang năm 2024. Đến nay, 15 hộ dân đăng ký tham gia buôn bán tại chợ xã Sró.

xay-dung-mang-luoi-cho-nong-thon-nham-dap-ung-nhu-cau-mua-ban-hang-hoa-thiet-yeu-cua-nguoi-dan-anh-vt.jpg
Xây dựng mạng lưới chợ nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa thiết yếu của người dân. Ảnh: V.T

Ông Nguyễn Đông Phai-Chủ tịch UBND xã Ia Lang-cho biết: “Chợ được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 1.600 m2, trong đó, khu vực nhà lồng có diện tích gần 400 m2, dự kiến bố trí 22 lô sạp cố định mua bán hàng khô và hàng tươi sống.

Hiện nay, xã đã thành lập Ban Quản lý chợ và đang xây dựng quy chế hoạt động; đồng thời, tích cực vận động người dân đăng ký vào chợ buôn bán. Hy vọng khi có chợ mới, bà con buôn bán được thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và gia tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS”.
VŨ THẢO
https://baogialai.com.vn/quan-tam-phat-trien-thuong-mai-mien-nui-post303446.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây