Đổi mới công nghệ chế biến để nâng giá trị nông sản

Thứ hai - 04/11/2024 20:05 111 0
(GLO)- Ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản là yêu cầu bắt buộc để nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đổi mới công nghệ chế biến để nâng giá trị nông sản

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở Gia Lai đang gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư mua sắm trang-thiết bị, ứng dụng công nghệ trong ngành chế biến.

Cơ hội gia tăng giá trị cho nông sản

Gia Lai có khoảng 837.600 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đây là tiềm năng, lợi thế để xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đạt nhiều tiến bộ đáng kể nhờ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các giải pháp sáng tạo vào sản xuất. Tuy nhiên, để tạo thêm giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho nông sản trên thị trường quốc tế, việc đầu tư cho công nghệ chế biến sâu là đòi hỏi bắt buộc đối với các doanh nghiệp, HTX.

doi-moi-cong-nghe-che-bien-de-nang-gia-tri-nong-san-bg.jpg
Dây chuyền đóng gói sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH BaKa (huyện Ia Grai). Ảnh: Vũ Thảo

Ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH BaKa (huyện Ia Grai) cho hay: Đối với doanh nghiệp, việc đầu tư trang-thiết bị, công nghệ phục vụ chế biến là yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, Công ty đã đầu tư máy trích ly, cô đặc chân không để sản xuất cà phê hòa tan. Tổng kinh phí đầu tư là 669 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 297 triệu đồng.

“Trước đây, muốn làm cà phê hòa tan, doanh nghiệp phải mua bột nguyên liệu từ những nhà máy lớn nên giá thành rất cao. Còn bây giờ, Công ty đã sản xuất khép kín. Không chỉ sử dụng máy móc thiết bị để sản xuất cà phê hòa tan, sắp tới, chúng tôi sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như gừng, nghệ, bơ, sầu riêng để trích ly ra bột, sản xuất ra các sản phẩm đặc sản”-ông Kiên thông tin.

Theo đánh giá của ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay, hầu hết các loại cây trồng chủ lực của tỉnh đều có vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với các nhà máy chế biến. Việc đầu tư chế biến sâu không chỉ phù hợp với điều kiện thị trường mà còn nâng giá trị cho hàng nông sản. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản được chế biến sâu của tỉnh hiện vẫn chưa cao.

“Hiện toàn tỉnh có khoảng 239.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất giữa 69 doanh nghiệp, 95 HTX, 72 tổ hợp tác với hơn 25.000 hộ dân. Việc liên kết sản xuất để tạo nguồn hàng chất lượng phục vụ chế biến và xuất khẩu. Bình quân thu nhập trên 1 ha cây trồng khoảng 96 triệu đồng, nhưng khi thực hiện liên kết thì đạt 300-350 triệu đồng/ha.

Trong vài năm gần đây, tỉnh chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trái cây của tỉnh đạt 150 triệu USD, trong đó chủ yếu là sản phẩm chanh dây cấp đông”-ông Có thông tin thêm.

Cần đổi mới công nghệ

Xác định đầu tư vào lĩnh vực chế biến là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với mở rộng thị trường cho nông sản nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng, HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã định hướng chế biến các mặt hàng chanh dây và sầu riêng đông lạnh.

Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho hay: “Hiện HTX có 2 kho đông lạnh làm hàng chanh dây. Dự kiến, HTX sẽ đầu tư thêm 2-3 kho lạnh nữa để triển khai làm sầu riêng đông lạnh trong vụ tới. Song song với việc đầu tư kho lạnh, HTX cũng đang xây dựng dự án liên kết sản xuất sầu riêng bền vững, xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận, đảm bảo chất lượng đồng nhất và đủ sản lượng để nắm bắt cơ hội xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến.

Để làm được điều đó, chúng tôi rất muốn học hỏi và áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu quá cao và chúng tôi chưa tìm được nguồn hỗ trợ tài chính phù hợp”.

bg-2.jpg
Dây chuyền chế biến của cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen (thôn 2, xã Diên Phú, TP. Pleiku) được đầu tư hiện đại giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: V.T

Tương tự, ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (huyện Chư Prông) cho rằng: Nếu sản xuất với dây chuyền thủ công sẽ khó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng sẽ giảm đi. Vì vậy, nếu được áp dụng máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ chế biến sẽ giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực sản xuất, tiết kiệm chi phí.

“Hiện nay, hầu hết các HTX không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay, trong khi để đầu tư một dây chuyền chế biến các sản phẩm nông sản, dược liệu cần nguồn vốn rất lớn”-ông Hải nêu khó khăn.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tăng cường áp dụng các công cụ và giải pháp cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ vốn khuyến công cho doanh nghiệp, HTX để đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước chỉ là tiền đề, còn doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt trong đổi mới, cải tiến thiết bị máy móc, quản trị mới có thể đạt được kết quả thực chất lâu dài.

Về tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ, ông Phạm Đức Nghiệm-Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật VCIC (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Để gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh cho nông sản trên thị trường quốc tế, việc hội nhập và đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến là rất cần thiết.

“Với vai trò là đơn vị chức năng hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ, chúng tôi đã triển khai các biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và phát huy vai trò cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận. Trong đó, từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội tại cho doanh nghiệp thông qua việc làm chủ các công nghệ lõi được nhập khẩu từ các nước phát triển”-ông Nghiệm thông tin thêm.

Hiện nay, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp qua chế biến chiếm 66,72%. Trong đó, tỷ lệ chế biến sâu một số mặt hàng còn thấp như cà phê chế biến tinh mới đạt 23,28%, hồ tiêu đạt 13,2%, tinh bột mì đạt 5,4%... Số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chế biến còn ít, phần lớn cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, thiết bị máy móc lạc hậu nên hiệu quả mang lại chưa cao.

VŨ THẢO
https://baogialai.com.vn/doi-moi-cong-nghe-che-bien-de-nang-gia-tri-nong-san-post299629.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây