Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế quốc gia. Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Bộ Công Thương liên tục được tách, nhập với những tên gọi khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ cách mạng; Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.
Dù với tên gọi khác nhau nhưng trải qua 70 năm xây dựng và phát triển cùng đất nước, ngành Công Thương đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Công Thương tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đã tạo ra những bước tiến vững chắc, những thành tựu quan trọng, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển công nghiệp và thương mại trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, đồng thời cũng là lực lượng tiên phong trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với tỉnh Gia Lai, trước năm 1975 cùng với nhân dân cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cũng là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của đội ngũ những người làm công tác công thương, nhiều đồng chí đã để lại một phần xương máu của tuổi thanh xuân hoặc anh dũng hy sinh nơi chiến trường. Ngành Công nghiệp Gia Lai tiền thân là Ban sản xuất tổ sản xuất sửa chữa quân khí (lò rèn), sản xuất các loại nông cụ, cơ sở chế biến bún bánh phục vụ chiến đấu, sản xuất và đời sống trong vùng chiến khu. Ngành Thương mại Gia Lai cũng có một quá trình phát triển với nhiều tên gọi khác nhau: Từ một tổ chức kinh tế thuộc Ban Kinh tế Tây Nguyên (năm 1949); Ban Kinh tài (năm 1955); Ban Tài mậu (năm 1961); Tiểu ban Thương nghiệp mậu dịch (năm 1966); Tiểu ban Công Thương Gia Lai (năm 1972 hợp nhất Tiểu ban Thương nghiệp và Tiểu ban Công nghiệp), hoạt động chủ yếu trao đổi, mua bán nông cụ, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ sự nghiệp kháng chiến.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, công tác quản lý nhà nước về công nghiệp là một bộ phận thuộc Ty Công nghiệp - Xây dựng (Quyết định số 56-QĐ/UB tháng 9/1975); đến ngày 17 tháng 5 năm 1976, tách Ty Công nghiệp – Xây dựng thành Ty Công nghiệp và Ty Xây dựng (Quyết định số 92/TC-QĐ). Đối với ngành thương mại, ngày 12 tháng 8 năm 1975, Ty Thương nghiệp được thành lập (Chỉ thị số 20-TU của Thường vụ Tỉnh ủy) và đến năm 1979 đổi tên thành Sở Thương nghiệp. Đến ngày 30 tháng 9 năm 1991, tỉnh Gia Lai thành lập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại- Du lịch. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, Sở Công Thương được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại Du lịch; đồng thời chuyển chức năng du lịch sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) (Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 07/4/2008 của UBND tỉnh).
Thành quả xây dựng và phát triển ngành Công Thương tỉnh trong 70 năm qua là rất vẻ vang và đáng tự hào, nhất là 30 năm trở lại đây; giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kim ngạch xuất khẩu có những bước phát triển đáng kể, giá trị sản xuất kinh doanh tăng cao. Hiện nay, ngành Công Thương đóng góp một phần quan trọng trong tổng GRDP cũng như thu ngân sách của tỉnh và tạo việc làm trực tiếp cho hàng vạn lao động. Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.518 tỷ đồng, gấp 1,48 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm 8,2 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 đạt 75.000 tỷ đồng, gấp 1,97 lần so với năm 2015, tăng bình quân 14,57%; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, tăng gấp 1,96 lần so với 2015, tăng bình quân hàng năm 14,38%. Ngành công nghiệp đang phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, khai thác thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; thị trường hàng hóa, dịch vụ phát triển đồng bộ, hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị và nông thôn; sản phẩm hàng hóa đặc trưng tiêu biểu của tỉnh đã dần có thương hiệu trên thị trường; hoạt động xuất khẩu ngày càng được mở rộng thị trường và tăng trưởng về kim ngạch. Hệ thống mạng lưới sản xuất, kinh doanh công thương phát triển đều khắp, đa dạng về tổ chức và thành phần kinh tế; phạm vi hoạt động mở rộng, đáp ứng được nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công thương tăng nhanh, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.136 doanh nghiệp, trong đó hoạt động công nghiệp là 1.740, hoạt động thương mại là 1.396; số hộ cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp và thương mại là 33.510 hộ, trong đó hoạt động công nghiệp là 6.427, hoạt động thương mại là 27.083; ngoài mạng lưới kinh doanh trên còn có 94 chợ và 19 siêu thị.
Các cơ quan hành chính thuộc ngành được củng cố về tổ chức và cán bộ. Công chức, viên chức không ngừng được nâng cao về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, Sở Công Thương có 51 công chức, viên chức, người lao động. Trong đó khối Văn phòng sở 34 công chức, 2 lao động hợp đồng; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại 15 viên chức. Về trình độ chuyên môn: Thạc sĩ 06 người, đại học 43 người. Các tổ chức Đảng, Đoàn thể được quan tâm xây dựng đạt vững mạnh về mọi mặt. Đến nay, Đảng bộ Sở Công Thương có 3 chi bộ trực thuộc, với tổng số 40 đảng viên; Công đoàn có 51 đoàn viên, Chi đoàn thanh niên với 7 đoàn viên.
Trong 70 năm qua, ngành Công Thương trải qua nhiều lần tách, nhập bộ máy. Nhưng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, với tên gọi có thể khác nhau, ngành Công Thương luôn tiên phong, khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Tự hào về sự phát triển của ngành và khẳng định là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế có những đóng góp quan trọng và tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong 5 năm tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành Công Thương Gia Lai phát huy truyền thống trong 70 năm qua, sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế so sánh của tỉnh, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo. Thu hút đầu tư xây dựng, hình thành và phát triển Khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp có tính kết nối cao và lan tỏa rộng. Phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nhất là điện gió, điện măt trời, điện sinh khối... từng bước đưa Gia Lai trở thành một trong những trung tâm năng lượng quốc gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Triển khai giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; tận dụng cơ hội của việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, tăng tỷ trọng xuất khẩu qua chế biến sâu. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm của tỉnh. Tổ chức hoạt động điều tiết lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng, bình ổn thị trường. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành; khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp
Kế thừa những truyền thống của ngành, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Gia Lai sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên, với tinh thần quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, đoàn kết, nhất trí sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước cùng chung sức, đồng lòng; chủ động, sáng tạo; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
ThS. PHẠM VĂN BINH
(Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai)