TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GIA LAIhttps://tipcgialai.vn/go/uploads/2.png
Thứ ba - 11/05/2021 03:316130
Thời gian qua, Gia Lai là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực điện năng lượng tái tạo (NLTT). Đây tiếp tục là mục tiêu phát triển của tỉnh trong tương lai. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ nhằm vừa phát triển nguồn năng lượng này vừa đảm bảo môi trường, đồng thời cũng đảm bảo ổn định đời sống của người dân.
Tính cho tới thời điểm này, công nghiệp sản xuất điện chủ yếu từ thủy điện đã khai thác hầu hết các tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng6,15%, năm 2020giá trị sản xuất ngành điện đạt 7.193 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 49 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2.246,15 MW (gồm: 08 dự án thủy điện lớn với tổng công suất 1907 MW; 41 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 339,15 MW); 03 dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 25,6 MW và tổng vốn đầu tư dự kiến 866,407 tỷ đồng; 09 dự án thủy điện có trong quy hoạch, chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 59,2 MW.
Hình 1. Trạm biến áp 500kV Pleiku 2 - Ảnh từ Truyền tải điện Gia Lai
Về điện mặt trời, toàn tỉnh đã có 2 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất 84MWp với tổng vốn đầu tư là 1.569,00 tỷ đồng; 02 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư với tổng quy mô công suất 74 MWp và tổng vốn đầu tư dự kiến 1.708,65 tỷ đồng; 05 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch, chưa có chủ trương đầu tư với tổng quy mô công suất 654 MWp; 10 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất là 1.125 MWp; 25 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất dự kiến là 4.563,5 MWp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất khoảng 603,822 MWp. Về điện gió, tới nay, đã có 17 dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương và đang triển khai đầu tư, với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW và tổng vốn đầu tư dự kiến 43.197,63 tỷ đồng; 89 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất 11.559,20 MW; 09 dự án điện gió đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất dự kiến 1.221,40 MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 02 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW.
Hình 2. Đập thủy điện Ka Nak - Ảnh từ akhpc.vn
Trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước là “Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” và các chính sách ưu tiên phát triển NLTT tái tạo của Chính phủ, thời gian qua, Gia Lai rất quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Thực tế, với tiềm năng, thế mạnh rất lớn trong phát triển NLTT, tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Sở Công thương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách hành chính, tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án.
Hình 3. Nhà máy điện sinh khối An Khê - Ảnh từ qns.cnpt.vn Việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các dự án NLTT đã thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư vào tỉnh. Cụ thể, mức đầu tư trung bình là 35 tỷ đồng/MW điện gió, 25 tỷ đồng/MW điện mặt trời nối lưới, 30 tỷ đồng/MW thủy điện, 15 tỷ đồng/MW điện mặt trời mái nhà... Cùng với đó, các dự án đã phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo hiệu quả đầu tư của các chủ đầu tư, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo ra thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là ít gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường sinh thái khu vực. Ngoài ra, các dự án NLTT còn tạo ra một hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành du lịch của tỉnh.
Hình 4. Dự án điện mặt trời Krông Pa - Ảnh từ chủ đầu tư
Nhằm phát huy nhưng kết quả đạt được và tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là năng lượng tái tạo) trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp theo tinh thần của Chương trình số 110-CTr/TU ngày 03/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 03/02/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về triển khai thực hiện Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ và Chương trình số 110-CTr/TU ngày 03/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hình 5. Thi công móng turbine gió trên địa bàn - Ảnh từ chủ đầu tư
Theo đó, Sở Công Thương nói riêng cũng như các ngành, các cấp của tỉnh nói chung cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Rà soát các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng đồng bộ với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó là tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu rà soát, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Thực thi chính sách về đất đai và bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
P.QLNL