Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 9 tháng của năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt hơn 21.825 tỷ đồng (đạt 69% so với kế hoạch và tăng 9,5% so với cùng kỳ của năm 2022). Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt hơn 164 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt gần 13.420 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt ước đạt hơn 8.159 tỷ đồng; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt hơn 82 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: V.T |
Cũng trong thời gian này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 66.642 tỷ đồng (đạt 61,71% kế hoạch và tăng 12,27% so với cùng kỳ). Thị trường hàng hóa diễn biến tương đối ổn định, nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 570 triệu USD (đạt 83,82% kế hoạch, tăng 4,59% cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,6 triệu USD (đạt 87,8% kế hoạch, giảm 19,4% so cùng kỳ).
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn đã tập trung đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và đưa ra nhiều giải pháp để phấn đấu đến hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 31.620 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 108.000 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch) và kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD (đạt 100% kế hoạch).
Ngoài ra, trên cơ sở dư địa tăng trưởng của các nhóm sản phẩm, các nhóm nhà máy chủ chốt dự ước đạt được trong năm 2023, ngành Công thương tỉnh Gia Lai đã đặt ra các chỉ tiêu của năm 2024 như: dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,1% so với cùng kỳ của năm 2023; tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 35.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự kiến đạt 123.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD và tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 115 triệu USD...
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: V.T |
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, Sở Công thương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023; áp dụng công nghệ số, dữ liệu số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Công Thương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất nông sản hàng hoá quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Tích cực mời gọi, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu theo các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Bên cạnh đó, phối hợp sở, ngành, UBND huyện thị xã triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh lĩnh vực công thương. Tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.
Đối với ngành công nghiệp, tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm. Quan tâm phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Triển khai có hiệu quả Chương trình Khuyến công, tập trung vào việc hỗ trợ về đầu tư máy móc thiết bị, hỗ trợ về thiết kế sản phẩm, lựa chọn và chuyển giao công nghệ gắn với việc phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chương trình OCOP. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023…
Ý kiến bạn đọc