Xúc tiến thương mại trên nền tảng số: Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Thứ ba - 12/04/2022 05:07 968 0
(GLO)- Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng cũng như mở rộng thị trường.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã sử dụng kênh online để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã sử dụng kênh online để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo

Qua 3 năm gia nhập thị trường, các sản phẩm cà phê mang thương hiệu Dalasa Coffee đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước thông qua các kênh bán hàng truyền thống, sản lượng tiêu thụ mỗi năm khoảng 3 tấn cà phê bột, 1 tấn cà phê hòa tan, 1.000 hộp cà phê phin túi lọc. Tuy nhiên, nhận thấy việc quảng bá, bán hàng qua kênh online rất phát triển nên chủ thương hiệu này chủ động tham gia các sàn thương mại điện tử, bán hàng trên fanpage, Facebook.

 

 Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã sử dụng kênh online để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã sử dụng kênh online để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo

 

Chia sẻ về điều này, chị Trịnh Thị Lương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dalasa Coffee-cho hay: “Quảng bá trên môi trường trực tuyến sẽ luôn duy trì được sự hiện hữu của sản phẩm và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong năm 2021, Công ty đã ký hợp đồng với 2 sàn thương mại điện tử Sendo.vn và Voso.vn theo chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” để được hỗ trợ quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm, hỗ trợ bán hàng. Việc tham gia chương trình không chỉ giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa đến trực tiếp tay người tiêu dùng mà còn tạo ra một không gian kinh doanh hiện đại. Khách hàng mua trên các sàn sẽ giảm các chi phí trung gian nên có được giá cả tốt hơn”.

Theo chị Lương, ngoài quảng bá trên sàn thương mại điện tử, Công ty còn tham gia các hội, nhóm mua bán trong và ngoài nước. Nhờ đó, Công ty đã tương tác và làm việc với một đối tác ở Mỹ để định hướng xuất khẩu cà phê bột qua thị trường này. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên công tác xúc tiến thương mại truyền thống bị ảnh hưởng. Do vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã tận dụng kênh online để quảng bá sản phẩm. Chị Đoàn Thị Thúy-Chủ cơ sở nuôi ong Phước Hỷ (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Khoảng 3 năm nay, nhờ đẩy mạnh quảng bá trên mạng nên các sản phẩm ong mật của cơ sở được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài bán hàng trên Facebook, tôi đã chủ động tham gia các sàn thương mại điện tử nên sản lượng tiêu thụ trong thời điểm dịch bệnh tương đối ổn định, trong đó doanh thu bán hàng qua kênh online hiện chiếm khoảng 60% tổng doanh thu. Kênh online đang là trợ thủ đắc lực trong việc mở rộng nguồn khách hàng”.

Hiện nay, việc quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đang được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận. Bà Nguyễn Thị Thúy Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn, Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ 59.228 hộ lên sàn postmart.vn và hỗ trợ tiêu thụ 65 tấn nông sản. Hiện có 22 nhà cung cấp đưa sản phẩm lên sàn, trong đó, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị đã tạo 211 tài khoản Posmart cho các bưu cục văn hóa xã, 34 tài khoản Pospay cho kiểm soát viên và giao dịch viên tại 17 bưu điện huyện, thị xã, thành phố. Doanh thu bán hàng qua sàn từ tháng 7-2021 đến nay đạt 2,2 tỷ đồng. “Để đảm bảo điều kiện tham gia sàn, sản phẩm phải đạt các chứng nhận chất lượng hoặc sản phẩm OCOP. Hiện tại, số lượng hàng tiêu thụ trong toàn hệ thống bưu điện thì lớn nhưng khách hàng bên ngoài vẫn chưa nhiều, chỉ tập trung vào một số mặt hàng như: cà phê, mật ong”-bà Vân thông tin thêm.

 

Nhiều khách hàng đã quen với việc mua sắm các sản phẩm đặc trưng của Gia Lai trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều khách hàng đã quen với việc mua sắm sản phẩm đặc trưng của Gia Lai trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Vũ Thảo


Việc đẩy mạnh kết nối trên các sàn thương mại điện tử là giải pháp để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường, qua đó giúp người dân tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tiếp cận các sàn thương mại điện tử, Trung tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn chủ thể thao tác bán hàng; hướng dẫn, tuyên truyền tham gia chuyển đổi số thông qua các chương trình hội chợ trực tuyến, kết nối giao thương trực tuyến hướng tới đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đối với sàn ocopgialai.vn, hàng tháng có khoảng 7.500 lượt truy cập tìm kiếm thông tin và mua các sản phẩm. Để giúp các chủ thể thích ứng an toàn trong tình hình mới, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên môi trường mạng qua hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam. Tham gia 4 gian hàng trưng bày 142 sản phẩm OCOP tỉnh Gia Lai trên nền tảng công nghệ thực tế ảo VR 360 độ. Thông qua gian hàng công nghệ thực tế ảo đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP giới thiệu và bán sản phẩm bằng các hình thức giao thương trực tuyến với nhiều giải pháp mà công nghệ đem đến cho nhà sản xuất, giảm thiểu rất nhiều chi phí, tăng tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường tốt hơn.
 

 VŨ THẢO
https://baogialai.com.vn/channel/8209/202204/xuc-tien-thuong-mai-tren-nen-tang-so-giam-chi-phi-tang-hieu-qua-5772968/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây