“Vốn mồi” tạo sức bật cho công nghiệp nông thôn

Thứ sáu - 22/09/2023 05:32 553 0
(GLO)- Với vai trò là “vốn mồi”, nguồn kinh phí khuyến công đang trở thành động lực kích thích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Vốn mồi” tạo sức bật cho công nghiệp nông thôn

Cơ sở nuôi ong Anh Cường Gia Lai (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) là một trong những đơn vị thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 thông qua Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến mật ong”. Anh Trần Văn Cường-Chủ cơ sở-cho hay: Sau khi tìm hiểu về quy trình chế biến mật ong, cơ sở đã đầu tư mua máy lọc mật, diệt men khử nấm, phá kết tinh.

Tuy nhiên, để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống máy thủy phần mật ong với công suất chế biến 1.200 kg/mẻ. Tổng kinh phí đầu tư là 540 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 270 triệu đồng, còn lại cơ sở đối ứng.

“Sử dụng công nghệ hạ thủy phần sẽ rút bớt nước trong mật ong, giúp sản phẩm đặc hơn, bảo quản được tốt hơn. Việc hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến góp phần nâng cao công suất chế biến, cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp cơ sở tăng doanh thu khoảng 3-6%/năm so với trước”-anh Cường phấn khởi nói.

Hộ kinh doanh Trần Văn Cường (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) được hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến để chế biến mật ong. Ảnh: V.T ảnh 1

Hộ kinh doanh Trần Văn Cường (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) được hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến để chế biến mật ong. Ảnh: V.T

Tương tự, được hỗ trợ tiếp cận chính sách khuyến công, Công ty TNHH BaKa (huyện Ia Grai) đã đầu tư mua sắm máy trích ly, cô đặc chân không với tổng kinh phí 669 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 297 triệu đồng, doanh nghiệp đối ứng 372 triệu đồng.

Ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Sau thành công với các dòng sản phẩm như: cà phê rang hạt, cà phê bột, cà phê phin tiện lợi... Công ty sẽ tiếp tục cho ra đời sản phẩm cà phê hòa tan. Sản phẩm được làm từ hạt cà phê rang và trích ly thành bột. Nếu trước đây, muốn chế biến cà phê hòa tan thì phải mua bột nguyên liệu từ những nhà máy lớn nên giá thành rất cao. Bây giờ, Công ty đã tự sản xuất khép kín”.

Theo ông Kiên, nhiều cơ sở chọn đường đi nhẹ nhàng, ít tốn kém đầu tư hơn là chỉ mua bột về trộn với nguyên liệu của mình. Nhưng Công ty TNHH BaKa thì không ngại đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng, cho ra sản phẩm tốt nhất. Không chỉ có cà phê hòa tan, Công ty còn định hướng sản xuất các sản phẩm đặc sản từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như gừng, nghệ, bơ, sầu riêng để trích ly ra bột.

Từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, trong năm 2023, Sở Công thương đã thực hiện 1 đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 4 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; trong đó, ký hợp đồng trách nhiệm với 2 đơn vị thụ hưởng là Công ty TNHH BaKa và Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, dự kiến hoàn thành trong tháng 9 này.

Từ nguồn vốn khuyến công địa phương theo Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 31-3-2023 của UBND tỉnh, Sở đã tiến hành nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến mật ong” của hộ kinh doanh Trần Văn Cường; chuẩn bị nghiệm thu 6 đề án ở thị xã An Khê, huyện Phú Thiện, Krông Pa, Kbang, Chư Păh, Ia Grai. Tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2023 là 3,91 tỷ đồng cho 12 đề án, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2,07 tỷ đồng, các đơn vị thụ hưởng đối ứng 1,84 tỷ đồng.

Nhờ được hỗ trợ máy đóng gói tự động, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm rau củ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo ảnh 2

Nhờ được hỗ trợ máy đóng gói tự động, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm rau củ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Ngô Quốc Thịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đánh giá: Trước đây, nguồn vốn khuyến công địa phương rất hạn chế. Thời gian gần đây, được sự quan tâm của UBND tỉnh, nguồn vốn cấp nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng như cơ sở công nghiệp nông thôn rất phấn khởi khi được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công. Nhờ nguồn vốn này, nhiều cơ sở, doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm kinh phí để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Ngành Công thương đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hỗ trợ kinh phí khuyến công hàng năm. Việc triển khai các đề án khuyến công đã khuyến khích, huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, năm nay, Sở đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới trong công tác khuyến công, đẩy mạnh hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các đề án trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh của địa phương.

VŨ THẢO
https://baogialai.com.vn/von-moi-tao-suc-bat-cho-cong-nghiep-nong-thon-post249647.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây