Trợ lực cho công nghiệp nông thôn Gia Lai phát triển

Chủ nhật - 21/07/2024 22:07 1.244 0
(GLO)- Hoạt động khuyến công của tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển.
Trợ lực cho công nghiệp nông thôn Gia Lai phát triển

Hiệu quả từ việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị

Được hỗ trợ kinh phí khuyến công để đầu tư máy rang cà phê vào cuối năm 2023, hộ kinh doanh Trần Thị Hồng Nhung (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đã từng bước nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm.

Bà Nhung cho hay: “Quy mô đề án gồm máy rang cà phê model VNRBRO30 có xuất xứ tại Việt Nam, công suất 30 kg/mẻ. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 407 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 180 triệu đồng, nguồn vốn của đơn vị thụ hưởng là 227 triệu đồng.

Việc sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê giúp nâng cao chất lượng, hiệu suất lao động, cũng như cho phép thực hiện các công việc được dễ dàng và hiệu quả. Đặc biệt, khi đi vào hoạt động, đề án góp phần làm tăng doanh thu 15-20%/năm so với lúc chưa đầu tư”.

Gia Lai có tiềm năng phát triển các sản phẩm qua chế biến như: cà phê, hồ tiêu, điều, dược liệu… Vì vậy, thời gian qua, chương trình khuyến công của tỉnh đã ưu tiên xây dựng các mô hình, hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở chế biến nông-lâm sản sử dụng nguyên liệu tại chỗ; cơ sở sử dụng nhiều lao động, đầu tư phát triển sản xuất tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhằm góp phần nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm mới cung ứng ra thị trường và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê sẽ hỗ trợ hộ kinh doanh nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Ảnh: V.T

Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê sẽ hỗ trợ hộ kinh doanh nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Ảnh: V.T

Đánh giá về hiệu quả công tác khuyến công, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng và ưu tiên khuyến khích triển khai chương trình khuyến công với nội dung trọng tâm là hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp.

Mục đích là nâng cao năng lực công nghệ cho cơ sở CNNT thông qua việc đổi mới, thay thế một phần chính hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn.

Việc khuyến khích đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sản xuất CNNT dựa trên tình hình thực tế của cơ sở và yêu cầu của phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này trước hết phải xuất phát từ cơ sở CNNT và do cơ sở chủ động thực hiện. Hay nói cách khác, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện, còn lại là vốn đối ứng của cơ sở CNNT”.

Cũng theo ông Binh, trong 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, tổng kinh phí thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ gần 13 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 4,2 tỷ đồng, đối ứng của các cơ sở sản xuất CNNT gần 43 tỷ đồng.

Tuy nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Nâng cao giá trị cho sản phẩm CNNT

Từ năm 2012 đến nay, Gia Lai đã tổ chức 7 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, thu hút 162 cơ sở CNNT với 405 sản phẩm/bộ sản phẩm tham gia; đã công nhận là 182 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh.

Từ năm 2012 đến nay, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được tổ chức 2 năm/lần nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Qua 7 lần tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, nhiều sản phẩm đã định hình giá trị thương hiệu, nâng tầm chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp (cấp tỉnh, cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên, cấp quốc gia) đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực nông thôn phát triển.

Với mục tiêu đưa sản phẩm từ trang trại đến tay người tiêu dùng, cơ sở nhung hươu Huy Thuận (huyện Chư Prông) đã sản xuất nhiều sản phẩm từ nhung hươu. Vừa qua, sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong của cơ sở đã được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Gia Lai năm 2024.

Bà Vũ Thị Hòa-Đại diện cơ sở nhung hươu Huy Thuận-cho biết: “Tôi luôn chú trọng đến vấn đề xây dựng sản phẩm đạt chất lượng dựa trên các chứng nhận tiêu chuẩn. Bởi khi đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu, người tiêu dùng tin tưởng hơn, từ đó có nhiều nhà phân phối hợp tác, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên đáng kể”.

Qua các chương trình xúc tiến thương mại sẽ góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm CNNT của tỉnh với các thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: V.T

Qua các chương trình xúc tiến thương mại sẽ góp phần tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm CNNT của tỉnh với các thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: V.T

Trong đợt bình chọn vừa qua, có 35 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Gia Lai năm 2024. Trong số này, 15 sản phẩm/bộ sản phẩm được đề cử tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2024.

Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Qua các lần tham gia bình chọn cho thấy ngày càng có nhiều hơn những sản phẩm mang tính đặc trưng, được các cơ sở khai thác dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có của từng địa phương như: cà phê, mật ong, hồ tiêu, trà, yến sào, hạt điều, chanh dây, gạo, bò khô, bò một nắng và các sản phẩm từ dược liệu…

Nhiều cơ sở đã có sự đầu tư về công nghệ hiện đại, mẫu mã đẹp, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ. Việc được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp sẽ khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu, mở ra những cơ hội phát triển mới cho các cơ sở CNNT.

“Hàng năm, Sở Công thương kết nối cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, phòng trưng bày sản phẩm CNNT, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, các đơn vị được quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến các thị trường trong nước nhằm mở rộng kết nối giao thương, tìm kiếm được nhiều đối tác, tăng doanh thu bình quân mỗi cơ sở CNNT khoảng 150-250 triệu/năm”-Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm.
VŨ THẢO
https://baogialai.com.vn/tro-luc-cho-cong-nghiep-nong-thon-gia-lai-phat-trien-post285577.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây