Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm việc với Sở Công Thương Gia Lai

Thứ năm - 29/02/2024 21:48 2.302 0
(GLO)- Chiều 29-2, tại TP. Pleiku, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm việc với Sở Công Thương Gia Lai về tình hình thực hiện công tác năm 2023 và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.
quang canh buoi lam viec anh vt 2051 (1)
quang canh buoi lam viec anh vt 2051 (1)

Tham gia buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công ty Điện lực Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên.

Báo cáo tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong năm qua, ngành Công Thương và các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ được giao, với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển năng lực sản xuất, hạ tầng công nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp thực hiện năm 2023 tăng 1,69% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2023 đạt 31.620,6 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch và tăng 9,45% so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 108.000 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch và tăng 20,48% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD (đạt 100% kế hoạch, tăng 3,03% cùng kỳ). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 141 triệu USD (tăng 28% so kế hoạch, tăng 0,7% so cùng kỳ). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới đạt 110 triệu USD (giảm 20% so với cùng kỳ).

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh V.T
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh V.T

Mặc dù đã đạt được những thành tựu, tuy nhiên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực Công Thương có một số khó khăn, vướng mắc. Ngành công nghiệp chế biến quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế, chưa mang tính đột phá, chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; một số sản phẩm có tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chưa tận dụng được hết nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn để sản xuất, chế biến. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu, cụm công nghiệp thu hút các dự án đầu tư; tuy nhiên, một số cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, như vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật cụm chưa được đầu tư đồng bộ; số dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp còn rất hạn chế… chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế do công tác quy hoạch và đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật thuộc các ngành khác nhau nên trong quá trình thực hiện chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn.

Năm 2024, ngành Công Thương Gia Lai đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước thực hiện năm 2024 đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thực hiện 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 123.000 tỷ đồng, tăng 13,89% so với thực hiện 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự kiến đạt 750 triệu USD, tăng 10,29% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2024 dự kiến đạt 115 triệu USD.

Để thực hiện nhiệm vụ, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp, như: tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên thu hút, phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong vùng như cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, điều... để tạo ra sản phẩm nằm ở chuỗi giá trị cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Triển khai có hiệu quả Quy hoạch Điện VIII nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, từng bước đưa Gia Lai trở thành một trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Đối với phát triển thương mại, dịch vụ, phát triển thị trường nội địa trong nước, phối hợp tổ chức kết nối cung cầu hàng hoá, giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm đối tác các tỉnh thành trên cả nước. Phối hợp đầu tư phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Phát triển Thương mại điện tử. Phát triển thị trường xuất nhập khẩu, kết nối với Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường nước ngoài. Phối hợp rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tích hợp dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm việc với Sở Công Thương Gia Lai. Ảnh: V.T
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm việc với Sở Công Thương Gia Lai. Ảnh: V.T

Tại buổi làm việc, Sở Công Thương và một số đơn vị đã có kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương liên quan đến quản lý, phát triển cụm công nghiệp; phát triển và quản lý chợ; vấn đề về năng lượng tái tạo, vấn đề tạm nhập tái xuất kinh doanh xăng dầu… Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ sớm giải quyết, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo đã và đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Những ý kiến, kiến nghị khác sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp để làm việc với các bộ, ngành có liên quan nhằm tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời và tham mưu cho Chính phủ, qua đó thúc đẩy hoạt động Công Thương của cả nước phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, Gia Lai có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, Gia Lai đang tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Vì vậy, Sở Công Thương cần có kế hoạch để đề xuất kêu gọi thu hút đầu tư các nhà máy chế biến vào tỉnh. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, đưa hàng hoá vào các hệ thống phân phối của nước ngoài. Hiện nay, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất tiềm năng, vì vậy cần xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn để các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch, trong đó sầu riêng là mặt hàng mà nước bạn cần sản lượng rất lớn. Bên cạnh đó, Sở cần phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh phát triển ngành thương mại dịch vụ, du lịch-đây là những ngành mà tỉnh có tiềm năng rất lớn cần phát huy…
VŨ THẢO
https://baogialai.com.vn/thu-truong-bo-cong-thuong-phan-thi-thang-lam-viec-voi-so-cong-thuong-gia-lai-post267754.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây