TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GIA LAI

https://tipcgialai.vn/go


Hội chợ triển lãm OCOP tỉnh Gia Lai lần thứ I: Quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng

Hội chợ triển lãm OCOP tỉnh Gia Lai lần thứ I: Quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng
(GLO)- Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku (3-12), từ ngày 2 đến 7-12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) diễn ra Hội chợ triển lãm OCOP tỉnh Gia Lai lần thứ I-2019. Hội chợ có 100 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và các sản phẩm OCOP cấp huyện đã được đánh giá, phân hạng.
Trong 100 gian hàng tại hội chợ, có 45 gian trưng bày các sản phẩm OCOP của 17 huyện, thị xã, thành phố đã được chấm điểm, phân hạng theo Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng của địa phương như: cà phê, mật ong, mắc ca, sachi, tinh dầu, tinh bột nghệ, đông trùng hạ thảo, rượu cần, chanh dây, khoai lang Lệ Cần, thịt bò một nắng Krông Pa, hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí, gạo Phú Thiện, măng le rừng Kbang…
 
Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Đây là hội chợ triển lãm OCOP đầu tiên được tổ chức trên địa bàn với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất với các sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng như các sản phẩm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố. Hội chợ là dịp để các nhà sản xuất có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.         
 
Hội chợ triển lãm OCOP giúp người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa đặc trưng của địa phương với chất lượng tốt. Ảnh: V.T
Hội chợ triển lãm OCOP giúp người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa đặc trưng của địa phương với chất lượng tốt. Ảnh: V.T
 
Cũng theo ông Lộc, các hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã trở thành cầu nối quan trọng thúc đẩy và tạo cơ hội hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Hội chợ lần này sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất. Đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng được mua sắm hàng hóa chất lượng, đồng thời là dịp để du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu bản sắc đặc trưng của tỉnh Gia Lai.
 
Tham gia hội chợ, Công ty TNHH một thành viên Tuyết Trúc (thôn Phù Cát, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) giới thiệu sản phẩm tiêu đỏ. Đây là sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Chư Prông chấm đạt 63,5 điểm. Anh Phan Công Định-Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Tuyết Trúc-cho hay: Công ty đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản. Do đó, sản phẩm tiêu đỏ được đánh giá có chất lượng vượt trội. Cùng với việc được cấp các chứng nhận của nhà nước, việc được công nhận là sản phẩm OCOP cấp huyện đã thêm một lần ghi nhận chất lượng sản phẩm tiêu đỏ của Công ty. Đó là cơ sở tốt nhất để tạo niềm tin với đối tác, người tiêu dùng. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, cơ sở vật chất, cải tiến công nghệ để cho ra sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
 
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) là đơn vị có sản phẩm được đánh giá đạt đến 81,5 điểm-số điểm cao nhất trong số 45 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng ở cấp huyện. Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX-chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm chanh dây của HTX được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu đi châu Âu. Không chỉ vậy, HTX đang tiến hành xây dựng chuỗi giá trị cho mặt hàng này qua việc chế biến tinh cốt chanh dây cô đặc, chế biến dịch chanh dây đông lạnh, sấy mứt từ vỏ chanh dây. Hiện HTX đã liên kết với các hộ nông dân trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 30 ha. Sau gần 1 năm nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP, sản phẩm đã được đánh giá cao, là cơ hội và cũng là động lực để HTX tiếp tục phát triển, phấn đấu đạt được các cấp hạng cao hơn trong thời gian tới”.
 
Theo ông Y Nguyên-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), qua 1 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan tỏa rộng khắp, không chỉ ở khu vực nông thôn mà cả ở thành thị. Chương trình đã góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, qua đó tạo thêm động lực phát triển kinh tế địa phương. “Đến nay, toàn tỉnh có 45 sản phẩm OCOP đã được cấp huyện đánh giá theo bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những sản phẩm tiếp tục được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá phân hạng. Mong rằng trong thời gian tới, chương trình sẽ nhận được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các chủ thể của sản phẩm OCOP”-ông Y Nguyên cho biết thêm.
THẢO NGUYÊN

Tác giả bài viết: THẢO NGUYÊN

Nguồn tin: baogialai.com.vn/

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây