Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ

Thứ sáu - 07/04/2023 05:17 337 0
(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại trong quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2023 diễn ra sáng 6-4.
Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ

Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Dương Mah Tiệp. Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội.

“Mổ xẻ” nhiều tồn tại, vướng mắc

Trong tháng 3 và quý I-2023, mặc dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp của UBND tỉnh, Gia Lai đã cơ bản thực hiện tốt việc phòng-chống dịch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra.

Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ ảnh 1
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thông tin: Theo số liệu do Tổng cục Thống kê cung cấp, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh trong quý I-2023 ước đạt 5,91% (đứng thứ 31 cả nước và thứ 2 khu vực Tây Nguyên). Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,92%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,26%; dịch vụ tăng 8,24%; thuế sản phẩm đạt 7,9%.

Các chỉ tiêu như: tổng diện tích gieo trồng, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp hoạt động trở lại... đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục khởi sắc; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Trước những kết quả khả quan, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long biểu dương tinh thần, trách nhiệm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch; đồng thời, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao nhằm làm rõ những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc. “Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần đánh giá đúng tình hình, nhất là những tồn tại, hạn chế, các vấn đề nổi cộm thuộc quản lý của mình và đề xuất, định hướng nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt, bám sát chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm tiền đề để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ ảnh 2
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Trên cơ sở gợi ý thảo luận của chủ trì hội nghị, không ít vấn đề vướng mắc, nổi cộm trong thời gian qua đã được đại diện các sở, ngành, địa phương tập trung “mổ xẻ” để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Liên quan đến việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa Nguyễn Trường Sơn cho hay: “Đối với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thị xã không còn quỹ đất để hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng. Nếu chuyển qua hình thức hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng tiền mặt và hỗ trợ vay vốn thêm 50 triệu đồng thì rất khó thực hiện. Bởi lẽ, họ sẽ không có tài sản để thế chấp vay vốn, chưa kể với số tiền đó thì không dễ để tìm mua được đất ở hoặc đất sản xuất”.

Một trong những “điểm nghẽn” gây ách tắc khi thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đó là đất san lấp. Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo nêu thực trạng: Huyện có một công trình lớn với số vốn đầu tư 60 tỷ đồng (chiếm trên 50% số vốn các dự án huyện quản lý). Hiện nay, chúng tôi đã bàn giao mặt bằng sạch cho dự án, thời tiết cũng khá thuận lợi để thi công nhưng phải dừng lại vì không có đất làm vật liệu san lấp, đổ nền. Nếu vấn đề này không sớm được tháo gỡ thì khả năng giải ngân vốn xây dựng cơ bản của địa phương sẽ khó đảm bảo tiến độ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ thông tin thêm: Trong số 25 dự án đang triển khai trên địa bàn, có 7 dự án chậm tiến độ do liên quan đến quy định của pháp luật về tài nguyên-khoáng sản, mà cụ thể là mỏ đất. Vì không có đất để đắp lề và san lấp mặt đường nên tất cả đều đang ách tắc. Đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung tham mưu UBND tỉnh quan tâm gỡ khó, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 quá chậm đã kéo theo sự chậm trễ trong triển khai các dự án thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Lương Thanh Bình lý giải: Theo quy định của Luật Đất đai, kế hoạch sử dụng đất phải được phê duyệt trước ngày 31-12 hàng năm. Ngay từ tháng 8-2022, Sở TN-MT đã có văn bản đề nghị các địa phương lập kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Tuy nhiên, trừ TP. Pleiku, các huyện, thị xã còn lại triển khai khá chậm. Đến thời điểm hiện tại, có 14 địa phương đã hoàn thành việc thẩm định kế hoạch sử dụng đất qua hội đồng thẩm định, còn lại 3 địa phương (Ia Grai, Kbang, Đak Pơ) đang chờ thẩm định vì vừa mới trình hồ sơ vào ngày 5-3. Sau khi hội đồng thẩm định đã thẩm định xong, UBND cấp huyện phải chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ và nộp lại. Khi đó, Sở TN-MT mới trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, một số vướng mắc trong việc bố trí nguồn vốn cho công tác định canh định cư đối với dân di cư tự do; chậm giải ngân vốn đầu tư công; quy trình, thủ tục trong thu hút các dự án đầu tư còn phức tạp; chất lượng, hiệu quả công tác trồng rừng; tai nạn giao thông vẫn gia tăng… cũng được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Từ việc phân tích những tồn tại, hạn chế, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ trong tháng 4 và các tháng tiếp theo, nỗ lực phấn đấu đạt vượt mức các chỉ tiêu của năm 2023.

Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ ảnh 3
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng đề xuất giải pháp về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng nhìn nhận: Triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, đối mặt với nhiều thách thức, song tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó có nhiệm vụ quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Tính đến ngày 31-3, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.694,2 tỷ đồng (bằng 31,2% dự toán Trung ương giao và 28,7% Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tốc độ thu ngân sách của tỉnh cũng tương đương với trung bình chung của cả nước nhưng nếu xét kỹ, có 2 khoản đạt thấp là thu tiền sử dụng đất và thu hải quan.

“Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo nguồn thu bền vững; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ cho việc bố trí dân cư và tạo nguồn thu ngân sách. Đồng thời, tập trung triển khai các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia”-Giám đốc Sở Tài chính đề xuất.

Về vấn đề đất san lấp, theo Phó Giám đốc Sở TN-MT, đây là vướng mắc, khó khăn chung trên cả nước chứ không riêng tỉnh Gia Lai. Sở cũng đã kiến nghị Bộ TN-MT tìm giải pháp tháo gỡ. Qua tham khảo, một số địa phương đang áp dụng giải pháp là rà soát các hộ có nhu cầu cải tạo đất theo Điều 8 Luật Đất đai, cho phép khai thác hạ cao độ mặt bằng tự nhiên, không thay đổi quyền sử dụng đất sau khai thác. Lượng đất cải tạo này sẽ được sử dụng để làm vật liệu san lấp. Sở cũng sẽ nghiên cứu, sớm tham mưu cho UBND tỉnh bởi nếu đợi đến khi điều chỉnh quy hoạch thì rất chậm, không thể giải quyết được nhu cầu cấp bách hiện nay. “Trước mắt, trên cơ sở tổng hợp của các địa phương, Sở đã xác định nhu cầu đất san lấp cũng như dự kiến các vị trí mỏ đưa vào phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 163 mỏ đất sẽ đưa vào quy hoạch với diện tích 1.100 ha, trữ lượng dự báo trên 75,8 triệu m3”-Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin.

Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ ảnh 4

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình giải trình về vấn đề đất san lấp để thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Đức Thụy

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT sớm có phương án tham mưu cho UBND tỉnh. Đồng thời cho biết, trong tuần tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp bàn để sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” về đất san lấp cho các địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế và khẩn trương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và được bàn thảo tại hội nghị. Trước hết, phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện đúng Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh; chủ động phối hợp giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề nổi cộm, các vấn đề cử tri quan tâm, báo chí phản ánh thuộc ngành, địa phương quản lý theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các vấn đề, nội dung vượt thẩm quyền.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường theo dõi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả đề án phát triển cây dược liệu, rau, hoa và cây ăn quả; xây dựng dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng, đăng ký và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm căn cứ quản lý phát triển và thu hút đầu tư, nhất là điều chỉnh quy hoạch chung TP. Pleiku. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục phát huy dân chủ, tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội.

MỘC TRÀ
https://baogialai.com.vn/giai-quyet-dut-diem-cac-kho-khan-vuong-mac-hoan-thanh-nhiem-vu-post234010.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây