Hoạt động công nghiệp, thương mại quý I năm 2023

Thứ ba - 04/04/2023 04:25 297 0
Trong Quý I, Sở Công Thương Gia Lai đã chủ động xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 171/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 của UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; Công văn số 161/UBND-KTTH ngày 18/01/2023 của UBND về việc ban hành chương trình công tác năm 2023 của UBND;
Hoạt động công nghiệp,  thương mại quý I năm 2023
Công trình điện gió  huyện Đak Đoa
Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia năm 2023 (NQ 01/NQ-CPngày 06/01/2023) trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 09/01/2023 của Bộ Công Thương về ban hành chương trình hành động ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Công Thương và có sự đồng thuận của cộng đồng các doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục có xu hướng tăng. Việc ổn định được nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nên các nhà máy sản xuất đi vào hoạt động ổn định và các dự án điện gió phát huy công suất sau tết Nguyên đán Quý Mão. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt là động lực cho tăng trưởng.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010): tháng 3 ước đạt 2.515,3 tỷ đồng, Quý I ước đạt 6.917 tỷ đồng, đạt 21,88% so với kế hoạch và tăng 15,86% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước thực hiện tháng 3 đạt 17,28 tỷ đồng, Quý I ước đạt 45,7 tỷ đồng, đạt 19,87% kế hoạch và tăng 13,63% so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện tháng 3 đạt 1.666,8 tỷ đồng, Quý I ước đạt 4.542 tỷ đồng, đạt 23,31% kế hoạch và tăng 21,1% so với cùng kỳ; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt ước thực hiện tháng 3 đạt 823,6 tỷ đồng, Quý I ước đạt 2.302,6 tỷ đồng, đạt 19,51%  kế hoạch và tăng 6,95% so với cùng kỳ; Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải: ước thực hiện tháng 3 đạt 7,64 tỷ đồng, Quý I ước đạt26,85 tỷ đồng, đạt 25,1% kế hoạch và tăng 1,72% so với cùng kỳ.
 Các sản phẩm công nghiệp tăng/ giảm so với năm 2022 như: Sản lượng điện; đường tinh chế, chè các loại, chế biến tinh bột sắn, đá Granít, phân vi sinh, chế biến sữa, sản phẩm nước ép trái cây đều tăng cao nhờ việc ổn định được nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, thời tiết thuận lợi nên các dự án điện gió, các nhà máy sản xuất đi vào hoạt động ổn định và phát huy công suất sau tết Nguyên đán Quý Mão, bên cạnh đó, các nhà máy như: nhà máy đường RE, nhà máy sản xuất phân vi sinh của nhà máy đường Thành Thành Công, nhà máy nước ép Quicornac đã đi vào hoạt động nên đã góp phần tăng cao vào sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp trên địa bàn, riêng Sản phẩm MDF giảm do thị trường tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam sụt giảm nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: tháng 3/2023 ước đạt 7.702 tỷ đồng, đạt 8,31% kế hoạch, tăng 27,50% so với cùng kỳ năm trước. Quý I ước đạt 23.832 tỷ đồng, đạt 22,06% kế hoạch và tăng 31,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng 80,85%; dịch vụ lưu trú chiếm tỷ trọng 0,7%; dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 11,6%; dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng 0,05%; hoạt động dịch vụ khác chiếm tỷ trọng 6,76%. Do thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thị trường hàng hoá phong phú và sôi động, sức mua tăng lên đáng kể. Hàng hoá đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng của nhân dân nên thị trường hàng hóa không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến. Sau Tết nhu cầu mua sắm mặt hàng tiêu dùng giảm và dần ổn định so với những ngày giáp Tết.
Thương mại điện tử phát triển khả quan, các kênh bán hàng hiện đại như website; mạng xã hội như Facebook, Zalo, Messenger; các ứng dụng, phần mềm; dịch vụ đặt hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, thanh toán trực truyến được các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị Coopmart, Vinmart, cửa hàng kinh doanh triển khai ứng dụng mạnh mẽ.
Hoạt động xuất nhập khẩu, kinh tế biên mậu:
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước thực hiện tháng 3 đạt 70 triệu USD; Quý I đạt 220 triệu USD, đạt 32,35% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu chủ lực là mặt hàng cà phê tăng cả về lượng và giá trị
Kim ngạch nhập khẩu ước tháng 3 đạt 8 triệu USD, Quý I đạt 23 triệu USD, đạt 20,9% kế hoạch, giảm 24,5% so cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Do nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng vào các dịp lễ mùa đông, nhất là Tết Dương lịch tại một số thị trường chính như EU, Mỹ..Từ tháng 2/2023, Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero Covid kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, nhiều loại nông sản trái cây Việt Nam (chuối, chanh leo, sầu riêng, tổ yến, khoai lang...) được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, Quý I/2023 là thời điểm nông sản của tỉnh vào mùa thu hoạch nhất là cà phê, trái cây... khối lượng hàng hóa lớn, giá xuất khẩu cà phê tăng ổn định từ đầu tháng 2 đến nay, tăng hơn 10% so tháng 1/2023 đã thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu giảm chủ yếu do lượng nông sản (sắn lát, hạt điều..) nhập từ Campuchia giảm mạnh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới: ước 3 tháng đạt 12,5triệu USD giảm 16,6% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu mặt hàng nông sản (sắn lát, hạt điều); vật tư, nguyên liệu xuất sang Campuchia giảm đáng kể. Trong đó: Xuất khẩu đạt 8 triệu USD. Một số mặt hàng chủ yếu: Hàng bách hóa 0,5 triệu USD; năng lượng điện 0,7 triệu USD, vật tư các loại 2,5 triệu USD và một số hàng hóa khác. Nhập khẩu đạt 4,5 triệu USD. Mặt hàng chủ yếu là: Sắn lát 3500 tấn/0,82 triệu USD; cao su thiên nhiên 1.500 tấn/1,8triệu USD và một số hàng hóa khác.
 Đồng thời tuyên truyền phổ biến đến doanh nghiệp về tình hình hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Móng Cái và các biện pháp phòng tránh bất lợi khi đưa hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Trong thời gian tới, ngành công thương đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030. Xác định công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo là khâu đột phá. Triển khai Nghị quyết 163/NQ-CP phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp các Sở, Ban, Ngành địa phương và các doanh nghiệp, Nhân dân thực hiện chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Đồng hành cùng doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở, chủ động tiếp xúc và tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp. Giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, danh mục dự án kêu gọi đầu tư về công nghiệp, năng lượng, thương mại của tỉnh.
N.H.H.T -
Văn phòng Sở
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây