Khi nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm

Chủ nhật - 03/04/2022 21:06 350 0
(GLO)- Nhiều nông dân đã thay đổi tư duy để tiếp cận cách làm nông nghiệp sạch gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cũng từ đó, họ từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu.
Khi nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm
Gắn sản xuất với tiêu thụ
 
Sở hữu trại ong khoảng 450 đàn, vườn cà phê rộng 4,5 ha và đàn dê 200 con, anh Vũ Văn Tuyền (thôn Núi Lu, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm nhờ kết hợp sản xuất và phân phối sản phẩm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tuyền cho hay: Trước đây, tôi có công việc ổn định ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, năm 2011, tôi quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp với nghề nuôi ong lấy mật. Đến năm 2014, tôi gầy dựng được đàn ong kha khá nhưng sản phẩm mật thu được cũng chỉ bán cho mối gom, lợi nhuận không cao. Cơ duyên “lấn sân” bán lẻ mật ong chính là từ những khách hàng nhỏ lẻ. Tôi đóng thành những hũ nhỏ đem đi tặng mọi người và xin lại ý kiến đánh giá để tiếp thu, hoàn thiện chu trình sản xuất.
 
Niên vụ 2016-2017, anh Tuyền dành khoảng 10 tấn mật chất lượng tốt nhất để bán lẻ. Anh đưa mật ong vào một số siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh. “Vài tháng sau, tôi quay trở lại kiểm tra thì sản phẩm vẫn y nguyên trên kệ, nhiều chai mật kết tinh. Siêu thị yêu cầu phía nhà sản xuất thu hồi về. Sau sự cố này, tôi phải bán đi căn nhà vừa mới xây để có vốn đầu tư tái sản xuất”-anh Tuyền kể lại.
 
Không cam tâm bỏ cuộc, anh lên mạng tìm đối tác với quyết tâm khẳng định đúng giá trị của mật ong kết tinh. Đến năm 2018, sau nhiều ngày lang thang chào hàng khắp các diễn đàn, anh đã gặp và ký hợp đồng xuất khẩu mật ong kết tinh sang Nhật Bản. “Thời điểm này, giá trị hợp đồng chưa lớn nhưng cũng đem lại cho tôi cơ hội tái sinh. Đến nay, sản phẩm mật ong Núi Lu, cà phê Núi Lu và một số sản phẩm khác trong mô hình nông nghiệp sạch của tôi đã được nhiều nhà sản xuất, người tiêu dùng lựa chọn”-anh Tuyền cho biết.
 
Du khách tham quan S’Lang Farm (thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: C.T.V
Du khách tham quan S’Lang Farm (thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: C.T.V
 
Năm 2015, anh Nguyễn Đức Mạnh-chủ S’Lang Farm (thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang, huyện Kbang) quyết định rời TP. Hồ Chí Minh để về quê khởi nghiệp với mô hình trồng cây ăn quả. Thời điểm đó, anh chuyển đổi hơn 2 ha cà phê sang trồng hơn 1.000 cây cam xoàn, cam Vinh, cam Đường Canh, quýt hồng... “Tôi lên các hội, nhóm trên mạng để theo dõi, học tập và chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Từ đây, tôi thu nạp được nhiều kiến thức bổ ích để phát triển nông nghiệp sạch”-anh Mạnh chia sẻ.
 
Năm 2019, vườn cây ăn quả của anh Mạnh bắt đầu cho thu hoạch. Thay vì cắt bán cho thương lái thì anh tương tác trên các hội nhóm để tiếp thị sản phẩm. Sau đó, S’Lang Farm đã lọt “mắt xanh” của nhiều chủ cửa hàng kinh doanh rau quả sạch tại TP. Hồ Chí Minh, Đã Nẵng, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Kon Tum và bán lẻ tại Gia Lai. Ban đầu, chỉ một vài cửa hàng nhập về bán. Sau đó, họ chia sẻ cho các cửa hàng khác và đối tác cứ vậy nhân lên. “Đặc biệt, giá cam, quýt của S’Lang Farm luôn cao gấp đôi so với các trang trại trong vùng. Năm 2021, ước tính vườn cam, quýt của tôi thu hơn 10 tấn quả, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng cà phê trước đây. Tôi còn đăng ký thành viên của một số trang web nước ngoài về du lịch trải nghiệm, từ đó tuyển được một số tình nguyện viên nông nghiệp hữu cơ là người nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Đây là tiền đề để tôi phát triển S’Lang Farm trở thành điểm du lịch nông trại trong tương lai”-anh Mạnh kỳ vọng.
 
Trung thực, uy tín
 
Theo anh Tuyền, sản phẩm do nhà nông làm ra phải chịu sự định giá của thị trường, chưa kể bị thương lái ép giá. Bởi vậy, giá cả luôn bấp bênh, chi phí sản xuất không được tính đến, nguy cơ được mùa-mất giá, được giá-mất mùa luôn hiện hữu. “Khi vươn ra bán lẻ, tôi tự định giá được sản phẩm của mình và đề xuất giá cung cấp. Do vậy, tôi không ngại biến động mùa vụ, giá cả thị trường”-anh Tuyền khẳng định.
 
Trong khi đó, anh Mạnh dẫn chứng: Cam, quýt mua tận tay từ nhà vườn thì khách hàng sẽ thích hơn mua tại chợ hoặc đâu đó qua trung gian dù giá cả có thể không khác nhau. Về phía người cung cấp, bán trực tiếp cho khách hàng là cơ hội tiếp xúc cực kỳ quan trọng để có thể lắng nghe phản hồi từ người dùng. “Chính khách hàng là người sẽ định hướng cho tôi cần làm gì, tất nhiên phải là mang tính xây dựng, hợp tác. Tôi đang nỗ lực để thực hiện app ứng dụng quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến về quy trình sản xuất mật ong, cà phê và dê thịt Núi Lu để khách hàng có thể trực tiếp theo dõi, nắm bắt quy trình tạo ra sản phẩm hàng hóa của mình. Từ đó, tăng sự minh bạch chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng”-anh Tuyền cho hay.
 
Theo anh Mạnh, việc nhà vườn tìm được chỗ đứng tại cửa hàng thực phẩm trái cây sạch giữa các thành phố lớn không phải là chuyện đơn giản, song cũng không quá khó. Bí quyết là: Hãy trung thực! Trung thực từ quy trình và chất lượng sản phẩm, từ cam kết bán cho khách hàng. “Bán hàng trực tuyến hầu hết người bán, người mua không quen biết nhau, chỉ có niềm tin kết nối tạo nên cơ duyên hợp tác. Bạn bán hàng trung thực, uy tín thì sẽ là tiền đề cực tốt để gầy dựng khách hàng trung thành và giới thiệu tệp khách mới. Bởi vậy, đừng đánh mất sự trung thực và uy tín, đừng chỉ vì lợi nhuận mà làm sai lệch quy trình”-anh Mạnh chia sẻ thêm.
 
LÊ HÒA
https://baogialai.com.vn/channel/8208/202203/khi-nong-dan-gan-san-xuat-voi-tieu-thu-san-pham-5771381/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây