THƯƠNG MẠI GIA LAI TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

Thứ ba - 11/05/2021 03:59 770 0
Gia Lai là tỉnh có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng đối với khu vực và cả nước. Tỉnh Gia Lai sẽ trở thành khu vực khởi đầu hội nhập, một vị trí quan trọng trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối đông bắc Thái Lan, Campuchia, Nam Lào với khu vực Tây nguyên và Duyên hải miền trung Việt Nam. Nền kinh tế của tỉnh Gia Lai có sự tăng trưởng hơn mức trung bình của cả nước. Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp sản xuất và phân phối điện, điện tái tạo, sản xuất  vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, lâm sản…ngày càng rỏ nét có lợi thế cạnh tranh và tạo thị phần trên cả nước và thế giới như cà phê, tiêu, cao su và sản phẩm chế biến lâm sản.
THƯƠNG MẠI GIA LAI TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN
 
 
 
  1. Hoạt động nội thương:
Trong những năm qua, hoạt động thương mại đã có những tác động tích cực đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tích cực vào phát triển sản xuất, phân công lại lao động xã hội, thúc đẩy các ngành đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm cho sản xuất từng bước gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm và bước đầu phát huy được lợi thế của địa phương, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.Với những chuyển biến tích cực về kinh tế- xã hội của tỉnh Gia Lai, ngành thương mại của tỉnh cũng có sự phát triển tốt hơn, thể hiện qua tốc độ tăng nhanh các chỉ tiêu như giá trị tăng thêm đóng góp vào tăng trưởng GDP của tỉnh, tổng mức BLHH&DTDV năm 2016 đạt 44.350 tỷ đồng, năm 2020 đạt 72.266 tỷ đồng và kế hoạch năm 2021 ước đạt84.000tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 là 13,72%
Phát triển thương mại là yếu tố quan trọng để phát triển các ngành sản xuất theo hướng CNH, HĐH, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân trên địa bàn và góp phần tạo nên một diện mạo thị trường văn minh, hiện đại. Đồng thời là điều kiện quan trọng để Gia Lai tăng cường các mối quan hệ kinh tế và nâng cao vị thế của mình trong vùng Tây Nguyên, trong nước và nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Xúc tiến thương mại (XTTM) là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ như: Khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hội chợ, triển lãm thương mại, ... Hoạt động XTTM luôn giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và trở thành đòn bẩy hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tìm được đầu ra cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và mở rộng thị trường. Để công tác XTTM đạt ở một tầm cao mới, phục vụ tốt cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cho mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, ngành Công thương Gia Lai bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương để triển khai, nhất là việc tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu biểu là tổ chức tốt các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa hàng năm tại tỉnh Gia Lai và kết nối doanh nghiệp tỉnh mang những sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia các hội nghị kết nối cung cầu tại một số tỉnh bạn trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tỉnh nhà tham gia các lượt hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài, nhằm quảng bá thương hiệu và tìm kiếm cơ hội vươn xa của các doanh nghiệp.
  1. Hoạt động ngoại thương:
Với nguồn sản phẩm nông sản phong phú và đa dạng, tỉnh Gia lai có thế mạnh về xuất khẩu hàng nông sản như cao su 100.429 ha với sản lượng 97.500 tấn mủ khô/năm, cà phê 93.450 ha với sản lượng hơn 199.000 tấn/năm, tiêu 15.700 ha với sản lượng trên 49.000 tấn/năm, điều 17.275 ha với sản lượng hơn 49.000 tấn/năm, sắn 64.840 ha với sản lượng trên 122.850 tấn/năm và nhiều hàng hóa nông sản khác…đây là nguồn hàng hóa chủ lực cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 40 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu thường xuyên, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệuUSD (năm 2020), trong những năm qua các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp có quy mô, uy tín đã quan tâm tham gia vào hoạt động kinh doanh xuất khẩu như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai; Công ty cao su Chư Prông; Công ty cao su Chư Sê; Công ty cao su Chư Păh; Công ty Louis Dreyfus, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Trung Hiếu... Xuất khẩu hàng hóa của tỉnh  đã có mặt tại thị trường của 40 nước trên thế giới. Những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá, đây cũng là tín hiệu đáng mừng của nhân dân về nhu cầu đầu ra cho sản phẩm các mặt hàng nông sản, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra tỉnh Gia Lai có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với tổng diện tích là 210 ha đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế, đã và đang phát huy vai trò là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa tỉnh với nước bạn Campuchia. Trong những năm qua kim ngạch thương mại hai chiều giữa Gia Lai và Campuchia ngày càng gia tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình hợp tác, giao thương giữa hai nước, góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Gia Lai.
Mạng lưới kinh doanh của các thành phần kinh tế được từng bước mở rộng; hàng hoá phong  phú, đáp ứng yêu cầu đa dạng của các tầng lớp dân cư; phương thức cung ứng hàng hóa có sự thay đổi, xuất hiện phương thức mua bán thuận lợi cho người mua và người bán cùng với những mô hình mới văn minh, tiện lợi, giá cả hợp lý.
Các doanh nghiệp từng bước biết khai thác thế mạnh về vùng nguyên liệu tại địa phương. Các khâu trung gian giảm dần, phát triển thêm khách hàng trực tiếp và tạo lập được những thị trường mới cho các sản phẩm có thế mạnh. Việc nhập khẩu được điều hành đúng theo chủ trương của Nhà nước, tiết kiệm ngoại tệ, tập trung cho phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân đối với những mặt hàng thiết yếu
  1. Hạ tầng thương mại
Tình hình phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh hiện có 94 chợ, có 01 trung tâm thương mại; 01 trung tâm hội chợ triễn lãm; 19 siêu thị, trong đó có 09 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 10 siêu thị chuyên doanh chuyên ngành như điện máy, vật tư nông nghiệp…; có 406 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; Có 517 cửa hàng bán lẻ gas; có trên 1.000 doanh nghiệp kinh doanh thương mại và có khoảng trên 25 ngàn hộ kinh doanh cá thể…
Với truyền thống hiếu khách và khát vọng vươn xa của con người Gia Lai, sẵn lòng chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư trong nước và nước  ngoài . Tại đây, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án của mình. Hãy đến với Gia Lai, đến với quyết định đầu tư đúng đắn "Thủ tục nhanh gọn - kinh doanh an toàn - đầu tư hiệu quả - phát triển bền vững". Các nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra Gia Lai thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thuận lợi và những cơ hội phát triển mới, đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai./.
 
                                      PHÒNG QUẢN LÝ THƯƠNG MẠI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây